Thủy sản Cà Mau năm mới, tín hiệu mới
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, tháng 1-2010, tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản của tỉnh đạt 30 ngàn tấn (trong đó sản lượng tôm gần 8.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 50 triệu USD). Đây là tín hiệu khá tích cực, báo hiệu một năm đầy triển vọng của ngành Thủy sản. Tuy nhiên, cái được lớn nhất vẫn là lòng tin, sự kỳ vọng của doanh nghiệp, người dân vào sự phục hồi của nền kinh tế cũng như sự chỉ đạo, điều hành nhạy bén, năng động của chính quyền các cấp… Thủy sản Cà Mau năm mới, tín hiệu mới
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT, tháng 1-2010, tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản của tỉnh đạt 30 ngàn tấn (trong đó sản lượng tôm gần 8.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 50 triệu USD). Đây là tín hiệu khá tích cực, báo hiệu một năm đầy triển vọng của ngành Thủy sản. Tuy nhiên, cái được lớn nhất vẫn là lòng tin, sự kỳ vọng của doanh nghiệp, người dân vào sự phục hồi của nền kinh tế cũng như sự chỉ đạo, điều hành nhạy bén, năng động của chính quyền các cấp…
Đầu năm, tuy nguồn nguyên liệu sản xuất thiếu hụt, song các doanh nghiệp trong tỉnh vẫn duy trì sản xuất
KHỞI ĐẦU MỚI
Năm 2009, do tình hình suy thoái kinh tế diễn ra trên toàn thế giới, đặc biệt là các nước phát triển, nơi tiêu thụ chủ lực mặt hàng thủy sản đông lạnh của Việt Nam nói chung, Cà Mau nói riêng; nhiều doanh nghiệp chế biến thủy sản trong tỉnh đã sụt giảm đơn đặt hàng, đời sống của một bộ phận công nhân gặp khó khăn do thu nhập không ổn định. Không những thế, mặt hàng nguyên, nhiên liệu cũng tăng đột biến, ảnh hưởng rất lớn đến nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản của tỉnh.
Tuy nhiên, bước vào năm mới 2010, với khí thế phấn khởi, nhiều doanh nghiệp đã nỗ lực mở rộng thị trường bằng việc quảng bá, tiếp thị, tìm kiếm bạn hàng mới, ngoài những thị trường truyền thống nhằm tăng sản lượng chế biến, xuất khẩu. Cty Cổ phần chế biến và Dịch vụ thủy sản Cà Mau (CASES) có 3 xí nghiệp trực thuộc, mỗi nhà máy có công suất hàng ngàn tấn sản phẩm/năm. Tuy không phải là đơn vị có năng lực chế biến thủy sản lớn của tỉnh, nhưng CASES đã tích cực tìm kiếm thị trường mới: Nga, Đông âu, Trung Đông… Năm 2010, dự kiến kim ngạch xuất khẩu của CASES sẽ nâng lên từ 25 - 30 triệu USD (năm 2009 là 20,2 triệu USD). Ngoài mặt hàng truyền thống là tôm đông lạnh, CASES còn chế biến mặt hàng surimi đông lạnh, chế biến bột cá… Đây là cố gắng rất lớn của CASES nhằm đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu. Chính nhờ đáp ứng khá tốt nhu cầu thị trường, nên đời sống của công nhân lao động trực tiếp cũng từng bước ổn định, gắn bó lâu dài hơn với CASES.
Cty Cổ phần Chế biến & xuất nhập khẩu Cà Mau (CAMIMEX), một trong những doanh nghiệp chế biến thủy sản có mặt lâu đời nhất của Cà Mau cũng nằm trong hoàn cảnh khó khăn tương tự. Song, bằng sự chủ động vượt khó của mình, năm 2009, CAMIMEX đã đạt kim ngạch xuất khẩu trên 70 triệu USD, thu nhập của công nhân từ 2 triệu đồng/ người/tháng trở lên. Với trên 2.000 công nhân, bước sang năm 2010, trong bối cảnh kinh tế thế giới đang trên đà hồi phục, CAMIMEX sẽ không ngừng nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm, nhất là sản phẩm giá trị gia tăng, tìm kiếm thị trường để sản xuất nhiều mặt hàng mới, tăng thu nhập cho doanh nghiệp và người lao động.

Đa dạng hóa loại hình nuôi trong bối cảnh giá tôm nguyên liệu thiếu hụt là giải pháp hợp lý đối với người nuôi
VƯỢT LÊN CHÍNH MÌNH
Trao đổi với lãnh đạo tỉnh nhân dịp sản xuất đầu năm, một số doanh nghiệp chế biến thủy sản tỏ rõ sự đồng tình và quyết tâm cùng với tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xuất khẩu thủy sản năm 2010 đã đề ra. Nhiều kế hoạch, chương trình đã được các doanh nghiệp cân nhắc rất kỹ càng, sẵn sàng bước vào năm 2010 với một khí thế tự tin.
Phó Giám đốc CASES - ông Đỗ Công Thành nhận định: Năm 2010 mở ra nhiều triển vọng rất lớn trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản, do kinh tế thế giới đang trên đà phục hồi. Kim ngạch xuất khẩu của công ty có khả năng tăng mạnh, bởi ngoài mặt hàng tôm sú, CASES còn chế biến một số mặt hàng hải sản: Mực, cá biển, tôm biển… Đây là giải pháp nhằm đa dạng hóa mặt hàng xuất khẩu, ổn định sản xuất khi nguyên liệu trong tỉnh thiếu hụt. Tuy nhiên, ông Thành cũng băn khoăn: Hiện nay là thời điểm trái vụ, nguyên liệu thiếu trầm trọng, nhà máy chỉ sản xuất khoảng 30% công suất thiết kế. Nhà máy chỉ chế biến từ 4 - 5 tấn nguyên liệu/ngày, trong khi công suất phải từ 20-30 tấn nguyên liệu/ngày. Bà Nguyễn Thị Tuyết, Giám đốc CAMIMEX, chia sẻ: Đúng là vào thời điểm này doanh nghiệp chế biến thủy sản trong tỉnh đang gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu, bởi đã hết vụ thả nuôi của nông dân. Từ đầu năm đến nay, nhà máy chỉ sản xuất cầm chừng, hy vọng sau Tết Nguyên đán tình hình sẽ khả quan hơn.
Ông Nguyễn Thông Nhận, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, vào thời điểm này, đầu ra sản phẩm khá tốt. ông đồng tình với băn khoăn của doanh nghiệp về nguồn nguyên liệu chế biến hiện nay và cảnh báo: Giá nguyên liệu hiện nay khá cao, đây là điều có lợi cho người nuôi tôm. Song, giá nguyên liệu tại một số nước lân cận thấp hơn nhiều so với nguyên liệu trong nước. Chẳng hạn, tôm chân trắng trong nước loại 100 con/kg, giá 50.000đồng/kg, trong khi cùng loại tôm như vậy, doanh nghiệp nhập khẩu từ Indonesia, giá chỉ có 35.000 đồng/kg. Thêm nữa, một số nước áp dụng công nghệ nuôi hiện đại, nên đã rút ngắn được thời gian nuôi, giá thành sản xuất cũng giảm đáng kể. Chỉ thả nuôi khoảng 70 ngày, tôm đã đạt trọng lượng khoảng 50 - 70 con/kg, trong khi cũng ngần ấy thời gian người nuôi tôm trong nước chỉ đạt 80 - 90 con/kg. Thêm nữa, các doanh nghiệp chế biến thủy sản sản xuất theo công thức truyền thống thì không “ăn” được, cần phải tính toán lại cơ cấu sản phẩm, trong đó có việc đa dạng hóa sản phẩm, sản xuất hàng giá trị gia tăng…
Song, những vấn đề khó khăn đó chưa mang tính chất cốt lõi, mà nhìn rộng hơn thì kinh tế thế giới đang trên đà phục hồi, chắc chắn sẽ tác động tích cực đến ngành Thủy sản của tỉnh, đặc biệt là kim ngạch xuất khẩu năm 2010. Do giá tôm nguyên liệu biến động có lợi cho người nuôi tôm, nên khả năng nguồn nguyên liệu cũng sẽ nhiều hơn bởi người dân mở rộng sản xuất, mở rộng mô hình nuôi. Thêm nữa, nhiều chính sách tiền tệ đã được giải tỏa thông thoáng hơn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong việc vay vốn đầu tư máy móc, mở rộng sản xuất. Năm 2010, vụ kiện bán phá giá tôm với Mỹ sẽ được giải tỏa. Đó là cơ hội tốt cho doanh nghiệp chế biến thủy sản của tỉnh - ông Nhận thông tin.