News

Doanh nghiệp khu vực ĐBSCL: Liên kết để phát triển bền vững

Sau 5 năm gia nhập WTO, nước ta đang từng bước hội nhập sâu hơn với nền kinh tế thế giới. Thời cơ đối với các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và khu vực ĐBSCL nói riêng là rất nhiều, nhưng thách thức cũng lớn. Tại Diễn đàn doanh nghiệp ĐBSCL 2011, các đại biểu đã thống nhất cao việc cần thiết phải thành lập Hội đồng hiệp hội doanh nghiệp ĐBSCL để hợp tác và phát triển bền vững. Trong đó, vai trò của TP Hồ Chí Minh (trung tâm kinh tế của vùng) là hết sức quan trọng.

Sau 5 năm gia nhập WTO, nước ta đang từng bước hội nhập sâu hơn với nền kinh tế thế giới. Thời cơ đối với các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và khu vực ĐBSCL nói riêng là rất nhiều, nhưng thách thức cũng lớn. Tại Diễn đàn doanh nghiệp ĐBSCL 2011, các đại biểu đã thống nhất cao việc cần thiết phải thành lập Hội đồng hiệp hội doanh nghiệp ĐBSCL để hợp tác và phát triển bền vững. Trong đó, vai trò của TP Hồ Chí Minh (trung tâm kinh tế của vùng) là hết sức quan trọng.

Những năm qua, đồng hành cùng cả nước, đội ngũ các doanh nhân, doanh nghiệp khu vực ĐBSCL không ngừng phát triển và lớn mạnh. Đến nay, toàn vùng đã có gần 44.000 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký trên 356.000 tỷ đồng. Cùng với sự phát triển nhanh về số lượng, quy mô, cơ cấu sản xuất của doanh nghiệp cũng phát triển tương ứng. Nhiều doanh nghiệp nay đã trở thành những tổng công ty, tập đoàn kinh tế lớn chứng tỏ vai trò nòng cốt trong sự phát triển kinh tế - xã hội của toàn vùng và cả nước.

Đẩy mạnh sự hợp tác

 
 Công ty Xuất nhập khẩu thủy sản  CASES - Cà Mau là một trong những doanh nghiệp trụ vững sau khủng hoảng kinh tế.

Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Phạm thành Tươi, Trưởng Ban Tổ chức  MDEC Cà Mau 2011, khẳng định, những bất ổn của nền kinh tế toàn cầu, tình hình lạm phát và sự biến động giá cả, lãi suất tín dụng đang là những thách thức đầy cam go đối với doanh nghiệp. Bên cạnh những chính sách vĩ mô và sự hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp còn phải thường xuyên tìm cách tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức để tồn tại và đứng vững trên thương trường.

Mặc dù đã có nhiều tiến bộ, song, nhìn chung doanh nghiệp ở ĐBSCL đa số vẫn là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, sức cạnh tranh còn yếu. Muốn tồn tại và phát triển, cùng với các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và sự nỗ lực của mỗi doanh nghiệp thì việc liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp là hết sức cần thiết.

Chính vì lẽ đó, trong chuỗi sự kiện MDEC lần này, Diễn đàn doanh nghiệp ĐBSCL sẽ mở ra sự hợp tác, liên kết các doanh nghiệp các tỉnh, thành ĐBSCL với nhau và giữa doanh nghiệp ĐBSCL với các doanh nghiệp khu vực Đông Nam Bộ và đặc biệt là với TP Hồ Chí Minh - trung tâm kinh tế hàng đầu của cả nước.

Theo ông Trần Hoàng Chen, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Cà Mau, muốn có một “nền nông nghiệp mới” đủ sức cạnh tranh với những nền nông nghiệp khác trên thế giới thì trước hết chúng ta phải có những “con người mới” với đầy đủ năng lực, tư duy, nhận thức và tầm nhìn. “Cần có một lộ trình gồm nhiều bước mà bước đầu tiên là triển khai một chương trình đào tạo đặc biệt với mục tiêu là góp phần “doanh nhân hóa” những nông dân tiêu biểu. Từ đó, tạo nhận thức và lan tỏa nhận thức về chân dung của những người nông dân mới”, ông Chen đề xuất.

Phát huy vai trò trung tâm vùng

Trong vấn đề liên kết vùng, TP Hồ Chí Minh được xem như đơn vị “đầu đàn” trong vùng, bởi tại đây có trên 190.000 doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả. Chính vì vậy, vai trò của TP Hồ Chí Minh là rất lớn trong vấn đề liên kết vùng. Ông Thái Văn Rê, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư TP Hồ Chí Minh, cho biết, thực tế qua 10 năm hợp tác, liên kết song phương với 13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL, các doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh đã và đang đầu tư kinh doanh có hiệu quả vào trên 13 khu, cụm công nghiệp và 483 dự án thuộc các lĩnh vực tại 13 tỉnh, thành ĐBSCL, với tổng vốn đầu tư trên 258 tỷ đồng.

TP Hồ Chí Minh luôn làm hết sức mình để hỗ trợ và chia sẻ những kinh nghiệm trong thu hút đầu tư cũng như tạo mọi điều kiện cơ chế và chính sách thuận lợi cho các doanh nghiệp của TP Hồ Chí Minh tham gia các dự án, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội tại 13 tỉnh, thành ĐBSCL.

Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp của 13 tỉnh, thành ĐBSCL đầu tư kinh doanh tại TP Hồ Chí Minh. Ngoài ra, với lợi thế là một trung tâm kinh tế của vùng, TP Hồ Chí Minh sẵn sàng là cầu nối mở rộng kết nối giao thương vùng ĐBSCL với khu vực ASEAN và thế giới.

Tại Diễn đàn doanh nghiệp ĐBSCL 2011, đa số các đại biểu đều nhất trí thực hiện 3 giải pháp lớn nhằm phát triển doanh nghiệp ĐBSCL là thành lập Hội đồng hiệp hội doanh nghiệp ĐBSCL để hợp tác doanh nghiệp, đề xuất các chiến lược và chính sách cũng như lộ trình thích hợp liên kết ngành nhằm nâng cao giá trị sản phẩm và thương hiệu chủ lực của vùng; nghiên cứu thành lập trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư giữa Việt Nam, ĐBSCL và ASEAN; thành lập Ban chỉ đạo đầu mối để chỉ đạo vùng, hướng tới phát triển bền vững./.

Bài và ảnh: Ngọc Huệ
Articles other